“Biết” – “Hiểu” – “Vỡ” – “Sở hữu”

Coach Nguyễn Lê Hoàn

Dạo này thi thoảng mình cũng có chia sẻ một số điều mà mình đúc kết được cho một số bạn. Thông thường câu trả lời mà mình nhận được đó là: “Cái này em biết, nó sẽ là như thế này, thế này”. Khi nghe một số bạn nói, mình có cảm giác các bạn rất thông thạo, từ những thứ cao siêu như một số luật vũ trụ (luật nhân quả, luật hấp dẫn) cho đến nói về yêu thương bản thân vô điều kiện hay các lý thuyết khác, vân vân và mây mây. Đầu tiên, mình thấy rất mừng khi các bạn ấy “biết” được những điều hay như vậy, nhưng đồng thời cũng muốn làm rõ thực sự là các bạn đang “biết” như thế nào, không biết các bạn có dính mắc vào cái bẫy “biết” như mình từng mắc không?


Với kinh nghiệm khai vấn cá nhân, mỗi khi khách hàng gặp khó khăn trong một tình huống nào đó, mình thường tách bạn đó ra khỏi tình huống của bạn bằng cách xin lời khuyên của bạn ở một tình huống tương tự. Nhìn chung, phần lớn các bạn đều đưa ra được lời khuyên rất mạnh mẽ, rằng cần làm điều này, cần làm điều kia, nên như thế này nên như thế kia. Tuy nhiên khi hỏi bạn sẽ áp dụng cho chính tình huống này của mình như thế nào thì mình khá ngạc nhiên. Rất nhiều câu trả lời sẽ có dạng như: “Ôi nhưng em không áp dụng được cho mình” hay “Về lý thuyết là thế nhưng thực tế thì lại không ổn”. Khi khuyên được nhưng không làm được thì đó là biểu hiện của việc bạn mới chỉ dừng lại ở mức độ “biết”. Chúng ta có thể dễ dàng “biết” rất nhiều thứ trong thời đại ngày nay, thông qua đọc sách, lướt mạng, tham gia hội thảo …. Nhưng “biết” thêm rất nhiều mà lại không dùng được thì nôm na giống kiểu bạn muốn chặt cây, cần có cái rìu và bạn có thể vẽ ra được một cái rìu. Tất nhiên với chiếc rìu vẽ đó, làm sao bạn tự chặt được cây?


Điều đáng nói là rất nhiều người trong chúng ta (trong đó từng có cả mình) lại chưa ý thức được điều này. Có một giai đoạn mình lao vào đọc cực kỳ nhiều sách, tham gia rất nhiều h ội thảo, mua, tải các video siêu siêu nhiều. Cái cảm giác “biết” nhiều thứ rất thích, mình “vẽ” ra được nhiều thứ lắm. Nhưng “biết” chưa chắc đã “hiểu” đúng để vẽ ra giống cái người ta mô tả. Mà thậm chí có vẽ ra được thì đâu chắc đã làm được. Khi nhận thức được đến phần này, chắc hẳn sẽ có những người giống mình trước đây, hoang mang và thậm chí không còn niềm tin vào những gì họ “biết”. Giai đoạn này rất dễ để chúng ta “vứt bản vẽ đi” vì hóa ra để làm ra cái rìu thực tế nó khó khăn quá. Nói tới đây mình lại nhớ tới một bạn quản lý dù rất tâm đắc khi được dạy cách quản lý email mới, mất nguyên tối hì hục sắp xếp lại để rồi 1 tuần sau lại hì hục chuyển về như cũ.


Tất nhiên, có những người chuyển được sang giai đoạn tiếp theo mà nôm na mình gọi là “vỡ”, đó là bằng một cách nào đó họ gắn được với các trải nghiệm thực tế của bản thân. Có thể là họ sâu chuỗi lại những gì từng xảy ra, hoặc cũng có thể họ bắt đầu thực hành và chấp nhận những chướng ngại có thể sẽ đến. Có rất nhiều cách để chúng ta trải nghiệm hay kinh qua điều này. Trong hành trình của mình, ta “đúc rút” ra được những điều mà mình thực tế va vấp là như thế nào.


Rồi đến khi các bạn làm ra được cái rìu đầu tiên, các bạn mới nhận ra được “à hóa ra nó phải như thế”. Dù rằng cái rìu của bạn nó chưa giống cái rìu lắm, nhưng nó sẽ dễ dàng để các bạn đi tiếp, hay thực hành tiếp. Tuy vậy ở giai đoạn “vỡ” này, cái rìu vẫn chưa thực sự là cái rìu hoàn chỉnh nên bạn cần tiếp tục luyện tập cho đến khi chuyển qua giai đoạn “sở hữu”, tức là bạn đã rất thành thục việc tạo ra cái rìu dùng được. Rất nhiều khả năng, ở cuối giai đoạn này bạn sẽ chia sẻ về cách làm rìu theo phong cách của bạn. Và nhờ thế, nhiều người được bạn chia sẻ sẽ “biết” và bắt đầu từ giai đoạn 1 như thể làm ra rìu rất dễ dàng.


Như vậy, “biết” chưa chắc đã “hiểu”, “hiểu” chưa chắc đã “vỡ” và “vỡ” chưa chắc đã “sở hữu”. Nhận ra điều này giúp mình cực kỳ nhiều thứ, trong việc rèn mình cũng như nhìn người.


Thực ra nếu chỉ nghe ai đó nói, người ở giai đoạn 1 và giai đoạn 4 khá là giống nhau, tức là nghe có vẻ rất hay, nhưng rõ ràng là hoàn toàn khác biệt, giống như hàng thật và hàng giả vậy. Nhân tiện đang nhớ nghề nên mình cũng chia sẻ những gì mình “vỡ” được trong công cuộc nhìn người. Người giỏi nhìn người sẽ thấy đâu mới thực sự là người ở giai đoạn 4. Có rất nhiều cách, tuy nhiên ở đây mình chia sẻ một cách mà thường được dùng khi phỏng vấn, đó là áp dụng cách hỏi theo mô hình STAR (*) đơn giản cũng chỉ để nhận diện ra người này ở giai đoạn nào, bạn đó đã làm được (thành thục đến mức nào) hay dù đang nói một cách rất cuốn hút nhưng bạn đó mới dừng lại ở mức “biết”.


Nhìn người thì là vậy, nhưng với mình, nhìn lại bản thân còn quan trọng hơn. Mình vẫn thường tự hỏi, xét trên khía cạnh nào đó, mình đang ở “giai đoạn nào” trong hành trình này?


Nhiều khi để chuyển sang một giai đoạn mới trên quãng đường của chính mình thực sự không dễ vì vậy chúc các bạn bản lĩnh để có thể đi từ “biết” đến “vỡ”!


Hà Nội, Ngày 13/01/2021


Noah