Bạn có giữ lời hứa với mình không ?

Coach Nguyễn Lê Hoàn

Bạn có muốn sở hữu một phương pháp kỳ diệu biến những gì bạn thực sự mong muốn thành hiện thực không? Vậy trước tiên hãy trả lời câu hỏi này của mình: Bạn Có Giữ Lời Với Mình Không?


Khi nhận được câu hỏi này bạn sẽ trả lời như thế nào? Không hiểu sao rất nhiều bạn trả lời như thế này: “Có chứ, tôi hứa với đồng nghiệp là tôi sẽ thực hiện là y như rằng sẽ làm!” “Tôi hứa với con cái sẽ mua quà cho bé, tôi cũng làm. Tôi là một người giữ lời”.


Nếu được như vậy cũng tốt, nhưng câu hỏi của mình là bạn có trân trọng lời bạn nói với chính bạn hay không? Hay so với người khác, lời hứa dành cho bản thân bạn đặt đằng sau? Bạn hứa với mình là sẽ cho bản thân một chuyến đi để xả hơi, nhưng công việc cuốn bạn đi không điểm dừng? Bạn hứa với mình sẽ học Tiếng Anh để nâng cao khả năng cho bản thân, nhưng việc chồng con khiến bạn không thể học được? …


Đây là một trong những câu hỏi cực kỳ quan trọng dành cho những bạn nào muốn tăng hiệu quả và đạt được mục tiêu trong cuộc sống. Tại sao lại như vậy, bây giờ chúng ta cùng xem xét nhé.



Nếu xét ở mối quan hệ bên ngoài, nếu ai đó thất hứa với bạn một lần, thường họ có thể bào chữa ngụy biện lý do và có thể ta sẽ thông cảm phần nào, nhưng nếu ai đó thất hứa vài lần, thì chắc hẳn bạn sẽ khó lòng tin tưởng hoàn toàn vào người đó, bạn sẽ nhắc hoặc tìm cách để người đó thực hiện lời hứa. Bạn có thể ngẫm lại tâm trạng và cách ứng xử của bản thân chính mình trong rất nhiều trường hợp không giữ lời như: những người vay tiền bạn vài lần chưa trả, đồng nghiệp trễ thời hạn công việc hay bố mẹ hứa với mình là sẽ cho đi nghỉ hè nhưng đã qua 3 mùa phượng rồi mà chưa thấy … Nếu bạn đồng ý rằng mình sẽ có xu hướng hành xử như thế, thì giờ chúng ta quay trở lại mối quan hệ bên trong.


Nếu ta không giữ lời với bản thân mình, điều nguy hại là dù chúng ta cố gắng lấy lý do, ngụy biện trên trời dưới đất, thì phần nào đó trong chính ta, luôn biết sự thật. Nếu chúng ta tự thừa nhận là mình đã không làm và xem xét có muốn làm tiếp hay không thì còn được, nhưng khổ nỗi nhiều người trốn tránh sự thật đó bằng những lý do. Sau nhiều lần tự bào chữa cho bản thân như trên, dần dần chúng ta sẽ mất đi niềm tin vào bản thân, hay chính là “mất tự tin”. Khi “mất tự tin”, có lẽ bạn sẽ nghĩ ra các cách hoặc cố tạo ra môi trường “thúc ép” để buộc phải giữ lời, bởi cái bạn làm lúc đó là vì thể diện với người khác. Nhưng đó chỉ là tác động bên ngoài và khó lòng duy trì một cách bền bỉ. Ví dụ như bạn muốn sức khỏe của mình tốt hơn nên lên kế hoạch tập thể dục khí thế rồi được đôi ngày là nghỉ. Bạn nghĩ ra một cách khác là mua thẻ tập Yoga đắt đỏ để tiếc tiền phải đi, nhưng cũng được vài hôm thì tấm thẻ còn mới cóng để đó. Bạn sẽ thấy có rất nhiều ví dụ tương tự như thế của chính bạn trong cuộc sống!


Về dài hạn, việc mất đi niềm tin vào bản thân bạn không chỉ ảnh hưởng đến mỗi phạm vi những điều bạn đã nói với mình, mà bất cứ khi nào bạn lên kế hoạch cho việc gì đó, một phần nào đó trong bạn sẽ luôn nghĩ: “Mày sẽ lại từ bỏ, mày sẽ lại bay đi đâu ở giữa đường mà thôi” hoặc một phần nào đó khác sẽ bắt đầu xuất hiện phàn nàn “Sẽ không làm được đâu, bởi trời ơi đất hỡi những gì bạn đã bào chữa”. Bởi thế, việc bạn giữ lời là một điều tiên quyết trong việc bạn có đạt được những gì mình muốn hay không!


Vậy, hãy nhớ lại những gì bạn đã nói với bản thân mình và thừa nhận xem bạn muốn giữ lại những lời hứa nào để thực hiện, điều gì bạn chấp nhận là mình sẽ không làm? Trung thực và thực hiện từng bước một trong việc giữ lời để công cuộc xây dựng sự tự tin của chúng ta bắt đầu. Khi lời bạn nói đều thành hiện thực, bạn có sức mạnh để biến những kết quả bạn mong đợi cũng trở thành hiện thực, và quan trọng hơn hết là từ đó trở đi bạn sẽ có được sự Tự Tin vào chính mình.


Chúc bạn tự tin!


Noah Nguyen


Hà Nội, 23/11/2020