Chỉ nổi giận có chủ đích

Coach Nguyễn Lê Hoàn

Nói tới cơn giận, ta thường nghĩ đến nó như kẻ thù. Mỗi khi nổi giận xuất hiện là có vẻ sẽ có chuyện gì đó không tốt xảy ra. Khi còn nhỏ, ba má giận nghĩa là có khả năng sẽ bị la mắng, thậm chí đòn roi. Thầy cô giận có thể phải úp mặt vào tường … Nhưng cơn giận có thực sự là kẻ thù, hãy cùng quan sát một số góc nhìn về cơn giận nhé.


1️⃣ Anh Linh tự nhận xét mình là người rất bình tĩnh, ôn hòa và không bao giờ nóng giận, hiện anh là quản lý của một nhóm 5 người. Gần đây anh kể cho mình nghe về việc không thể hiểu được hành vi một bạn nhân viên trong nhóm. Bạn đã làm sai và để lại hậu quả vô cùng nặng nề cho nhóm, tuy vậy thái độ và cách bạn cư xử như việc đó rất nhẹ nhàng như thể không có vấn đề gì. Sau đó, anh lại kể về một bạn khác tương tự như vậy. Anh không hiểu tại sao các bạn không tự ý thức được.


Mình tò mò hỏi anh: “Khi có hậu quả, phần tính cách nào trong anh đã giao tiếp với các bạn”?


Anh trả lời: “Vẫn là con người ôn hòa”


“Nghĩa là cách anh nói về hậu quả là ôn hòa và không có gì nghiêm khắc?”


“Đúng thế, tôi luôn tránh nổi giận”


“Vậy làm sao để bạn nhân viên phân biệt được khi nào là anh không hài lòng và hậu quả thực sự lớn?”


Anh dừng lại một lúc và nhận ra: “Cũng có lúc tôi cần nổi giận, có chủ đích, nhưng nói vậy chứ tôi nghĩ không hề dễ dàng, tôi sẽ bắt đầu bằng việc quan sát mình trước”.


2️⃣ Anh Tân cũng ở vị trí quản lý như anh Linh nhưng anh lại tự nhận bản thân mình rất bộc trực, thẳng thắn. Khi gặp mình, anh đang thắc mắc không hiểu sao nhân viên của anh không chịu đưa ra ý kiến mới, quay đi quẩn lại vẫn là những ý kiến cũ. Anh bắt đầu nghi ngờ năng lực của đội ngũ.


“Anh có hay hỏi các bạn để lấy ý kiến không?”


“Tất nhiên rồi”


“Vậy khi các bạn cho ý kiến thì anh thấy thế nào?”


“Có mấy bạn cũng chịu khó cho ý kiến, nhưng thực sự rất trên trời, không thực tế một chút nào, rất trẻ con”


Mình quan sát biểu hiệu của anh và hỏi: “Có vẻ anh đang giận?”


“Không tôi có giận gì đâu, nghĩ lại tôi chỉ thấy ý kiến của họ non nớt quá thôi”


“Nhưng tôi quan sát thấy anh cau mày, nói lớn?”


“Tôi nghĩ đấy là con người tôi thôi, chứ không có ý giận gì”


Sau đó mình xin phép đưa ra góc nhìn về biểu hiện của anh có thể khiến các bạn cảm thấy anh đang giận, và từ đó không dám đưa ra ý kiến mới. Anh đón nhận góc nhìn này và ra về với một bài học về kiểm soát bản thân, kiểm soát cơn giận.


❓ Còn bạn, cơn giận là kẻ thù hay chiến hữu của bạn?