Vượt qua sự phán xét

Coach Nguyễn Lê Hoàn

👂 Gần đây, được lắng nghe câu chuyện của một số anh chị, mình phát hiện ra nhiều ảnh hưởng “bất ngờ” đến từ sự phán xét. Dưới đây là ba câu chuyện mà mình xin phép được chia sẻ, để mọi người có thêm những góc nhìn khác về phán xét:


#1 Một bạn nữ rất tiềm năng đang trong thời gian 2 tháng thử thách trước khi trở thành quản lý cửa hàng chính thức của một chuỗi bán lẻ. Khi gần kết thúc thời gian này, bạn tự đánh giá bản thân mình là nhiều khi không quyết đoán, mỗi lần ra quyết định đều hỏi ý kiến của các bạn nhân viên trước. Nhiều khi nhiệm vụ cần thực hiện gấp nhưng cũng vì thế mà chậm tiến độ. Trong đội ngũ của bạn, cũng có một số nhân viên cảm thấy không phục, thậm chí còn chống đối, nhưng bạn vẫn nhân nhượng. Khi được hỏi sâu, bạn nhận ra niềm tin và nỗi sợ của mình được xây dựng từ khi còn là nhân viên. Bạn và một nhóm nhân viên từng phê phán quản lý cũ của mình quá độc đoán, và bây giờ bạn cũng sợ bị nói như vậy. Nhận ra được cả cách mình đang làm lẫn cách của quản lý cũ đều không phải là cách hay, bạn dừng lại, hướng tới một điểm cân bằng.


#2 Một bạn nam cực kỳ vật vã về chuyện tài chính. Không phải bạn không kiếm được tiền, nhưng bạn cứ có cảm giác mình không giữ được. Mỗi khi có tiền bạn đều tiêu đi và nhiều khi vào những việc vô bổ. Lúc đầu, bạn cũng không lý giải được vì sao lại như vậy, nhưng sau một thời gian, bạn nhớ lại khi còn nhỏ, hoàn cảnh khó khăn, nhìn cách họ hàng đối xử với gia đình mình, bạn đã từng phán xét những người đó là giàu có mà “bạc bẽo”. Vô tình, điều đó lại hình thành một niềm tin trong bạn là “đã giàu thì không có tình”. Bởi vậy, một cách vô thức, bạn ở trong một cuộc giằng co giữa việc nên hay không nên “giàu có”. Khi được soi chiếu lại, bạn tự cười bản thân mình và nhận ra, giàu có chẳng liên quan gì đến việc vô tình hay bạc bẽo. Bỏ được rào cản đó, bạn vững bước để lên kế hoạch tiếp theo của mình.


#3 Trong đại dịch này, có một bạn gái khác vừa thất nghiệp vì công ty của bạn cắt giảm nhân sự. Tuy đó hoàn toàn không phải do năng lực của bạn, nhưng bạn cảm thấy cực kỳ suy sụp. Khi hỏi sâu hơn, trước đây chị hàng xóm từng bị ba mẹ bạn chê bai: “Bé đó thất nghiệp ở nhà đấy, học đại học hẳn hoi mà thật vô dụng”, bạn đã từng đồng tình với sự phán xét đó, nhưng giờ nó lại cũng chính là rào cản cho bạn. Bạn lăn tăn tự hỏi, có lẽ nào, mình cũng là người “vô dụng”? Ngẫm nghĩ, đấu tranh khá lâu và có cả những giọt nước mắt, bạn bắt đầu chấp nhận hoàn cảnh và học cách “buông” sự phán xét đó xuống.


Vậy, bạn có đang để phán xét nào đó giữ chân bước tiến của bạn?


#coachagy #nguyenlehoan