Rào cản trong giao tiếp

Coach Nguyễn Lê Hoàn

🤷 Rào cản trong giao tiếp

👉 Một trong những nguyên nhân lớn nhất ảnh hưởng đến hiệu quả trong tổ chức, trong đội nhóm là những rào cản trong giao tiếp. Điều này có thể xuất hiện với bất cứ ai, từ giữa những người đứng đầu tổ chức, các lãnh đạo, quản lý cho đến các nhân viên với nhau.

👉 Có khi biểu hiện của những rào cản này là sự bằng mặt nhưng không bằng lòng: “Tôi không đồng ý với anh nhưng tôi biết nói ra chẳng giải quyết vấn đề gì nên thôi tôi cứ để kệ vậy”.

👉 Hoặc biểu hiện là những suy nghĩ mặc định về nhau: “Sếp lúc nào chẳng coi ý kiến của mình là số 1, có bao giờ sếp chịu nghe ý kiến của người khác”, “Anh ta đúng là người kiểu không bao giờ dám chịu trách nhiệm”

👉 Biểu hiện cực đoan còn có thể là nói xấu sau lưng: “Cô này chắc vào được đây là nhờ mối quan hệ, nên không ưa những người có năng lực như mình”, “Đứa bất tài như nó không hiểu sao lại có thể ngồi đây” … và sau đó ta không thèm lắng nghe những gì người đó nói.

Thông thường các lãnh đạo khi nhìn thấy có rào cản trong đội nhóm hay tìm kiếm một khóa đào tạo gì đó về giao tiếp cho đội nhóm của mình. Nhưng rồi đâu lại vào đó, kiến thức chỉ là kiến thức nó khó lòng chuyển hóa sang hành động. Tôi được học cần đồng cảm, cần lắng nghe nhau, cần có tinh thần cùng thắng (win-win)… nhưng khi vào chuyện thì anh vẫn luôn là kẻ sai, còn tôi mới đúng. Hơn thế, đôi khi chính trong những người lãnh đạo đó lại có những rào cản mà họ không nhận ra.

👋 Những lúc như vậy khai vấn hoàn toàn có thể hỗ trợ được cho tổ chức và đội nhóm của bạn. Về mặt bản chất, những rào cản trong giao tiếp này đều đơn giản đến từ một cơ chế để “giúp ta” ở một phe đúng, phe tốt, phe chính nghĩa, còn người ta mới là kẻ sai, kẻ xấu, kẻ tà gian. Hay nói cách khác nó làm cái “tôi” của ta lớn lên. Nói vậy không có nghĩa là ta luôn nhận sai về mình mà để giao tiếp tốt ta cần ý thức được rào cản của ta với họ là gì, đây là khách quan hay do chính ta tự vẽ lên, ta có thể làm gì để giao tiếp tốt hơn.

👋 Bước đầu tiên khai vấn có thể giúp được bạn là để bản thân ta ý thức được những rào cản của ta với người khác. Một người coach giỏi có thể là một tấm gương phản chiếu lại những điều mà một người đang không nhìn thấy về bản thân mình. Đôi khi có thể là những sự thật khách quan nhưng khá “đau lòng” như “bạn đang có rào cản với người này”, “suy nghĩ mặc định về người ta là do bạn dựng lên”…

👋 Một người coach giỏi cũng có thể thách thức việc gỡ bỏ rào cản và thay đổi tâm thế để việc giao tiếp giữa bạn và người khác trở nên tốt hơn. Quan trọng hơn cả, người coach giỏi giúp bạn hướng tới kết quả chung mà bạn cũng mong muốn, đồng thời để bạn tự duy trì trách nhiệm cho việc cải thiện khả năng giao tiếp của mình.

❓Vậy bạn có nhận thấy các rào cản trong giao tiếp ở đội ngũ và ở chính mình, nếu có bạn định làm gì?


#coachagy #nguyenlehoan #performancecoach #communicationbarriers